Báo cáo Luật tục của đồng bào dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên

Ấn phẩm

Tác giả: Tropenbos Viet Nam

Viet Nam - 2021

Ngôn ngữ: Vietnamese

Tải xuống

 Trong xã hội loài người, thiên nhiên luôn là nền tảng để con người sinh sống và phát triển. Mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên xung quanh luôn luôn là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau. Điều này càng đúng hơn đối với các cộng đồng nông thôn miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vốn dĩ có có không gian sinh tồn gắn chặt với núi rừng, đất đai và nguồn nước.
Nhờ sống dựa vào thiên nhiên nên đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc tại chỗ đã tìm ra cách ứng xử với nhau và với thiên nhiên một cách hài hòa, hợp lý. Để duy trì sự bền vững đó, đồng bào đã tạo ra những nguyên tắc, quy định gọi là Luật tục để áp dụng vào cuộc sống thường ngày nhằm duy trì trật tự trong cộng đồng của mình cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên nơi mình sinh sống. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều tộc người tại chỗ cho đến nay vẫn duy trì, bảo vệ rất tốt không gian sinh tồn của mình bằng những Luật tục như vậy mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển thì khoảng cách giữa lối sống truyền thống và lối sống hiện đại ngày càng được rút ngắn. Nhiều thiết chế xã hội không do cộng đồng xây dựng nên, được áp dụng trong thời gian dài đã dẫn đến sự mai một của Luật tục. Hậu quả là rừng bị suy giảm, đất đai bị thoái hoá, nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt, bất bình đẳng và xung đột trong tiếp cận tài nguyên giữa các tộc người với các chủ thể khác ngày càng gia tăng [7].
Từ quan niệm là cách tiếp cận theo Luật tục của đồng bào DTTS trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) thì không hiệu quả bằng các mô hình quản lý của xã hội hiện đại, hiện nay nhiều Chương trình quản lý TNTN quốc tế đã chứng minh vai trò quan trọng không thể thiếu của Luật tục trong quản lý, sử dụng bền vững các nguồn TNTN, ví dụ như Sáng kiến quốc tế về REDD+ đã và đang dành sự quan tâm rất lớn đối với vai trò của Luật tục, của kiến thức bản địa (KTBĐ) trong việc giảm hiệu ứng khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng. Trong những trường hợp tương tự, việc khai phá và áp dụng KTBĐ được xem là cách tiếp cận bền vững của nhiều quốc gia trong việc giải quyết các bất cập mà xã hội hiện đại đang đối mặt, trong đó có bất cập về quản lý, sử dụng TNTN. Trong xu hướng đa dạng về pháp luật (legal diversity) của thế giới, ngay cả những quốc gia đã phát triển cũng đang sử dụng vừa Luật pháp vừa Luật tục vào việc quản trị xã hội.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “Rừng tín ngưỡng” và “không gian sinh tồn” vừa được Nhà nước công nhận và đưa vào áp dụng trong một bộ luật lớn là Luật Lâm nghiệp 2017. Ở điều 2 của Luật này quy định: “Rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng”, hoặc điều 14 quy định: “Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào DTTS, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật”. Cũng là lần đầu tiên, Luật này đã công nhận cộng đồng dân cư, bao gồm cộng đồng các DTTS là chủ rừng và được Nhà nước giao đất giao rừng (GĐGR) để quản lý sử dụng bền vững. Các quy định như vậy đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ không chỉ từ những nhà thực thi chính sách lâm nghiệp mà còn của cộng đồng, người dân và các bên liên quan khác trong xã hội. Ở một khía cạnh khác cụ thể hơn, Nhà nước đã ban hành Quy chế DCCS (theo Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị năm 1998 về xây dựng quy chế DCCS) với định hướng phát huy giá trị của Luật tục để xây dựng Hương ước mới.
Tuy vậy, mặc dù Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống Pháp luật về quản lý, sử dụng TNTN khá hoàn chỉnh (như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ nguồn nước…), song bóng dáng của Luật tục trong hệ thống Pháp luật này vẫn chưa được thể hiện nhiều. Việc chưa thừa nhận thỏa đáng vai trò của Luật tục một phần nào đó đã tạo ra nhiều thách thức đối với nhà quản lý, nhà thực thi chính sách cấp địa phương trong việc quản lý, sử dụng TNTN ở các vùng đồng bào DTTS hiện nay. Ví dụ, việc quốc hữu hoá TNTN, đặc biệt là việc thành lập các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tại các khu rừng thiêng, rừng ma của nhiều đồng bào DTTS, hay việc giao rừng cho Ủy ban Nhân dân (UBND) xã tạm thời quản lý song song với việc xoá bỏ các quy định của Luật tục ở những khu vực này đã làm cho nhiều khu rừng trở nên “vô chủ”. Tương tự, một trong những nguyên nhân làm gia tăng xung đột trong xã hội về tiếp cận TNTN, đặc biệt là xung đột giữa người dân địa phương với các chủ thể Nhà nước trong việc dành quyền quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây là do sự suy giảm vai trò của Luật tục [7], hoặc do sự xung đột giữa Luật Pháp và Luật tục gây ra.
Ở Tây Nguyên Việt Nam nói chung và vùng lưu vực sông Srepok nói riêng, nơi có nhiều dân tộc tại chỗ sinh sống, Luật tục đã từng là một công cụ quản lý rất có hiệu quả về mọi mặt đời sống của người dân từ bao đời nay. Ngày nay, trước yêu cầu về tăng cường tính tự quản cũng như sự đồng thuận xã hội trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, thì Luật tục lại có cơ hội để phát huy vai trò của mình, nhất là vai trò quản lý, sử dụng TNTN của con người nơi đây.
Là một tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài nguyên gắn với sinh kế người dân nông thôn miền núi trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng lưu vực sông Srepok, Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) rất quan tâm đến việc làm thế nào để phát huy được các giá trị tốt đẹp của Luật tục Tây Nguyên vào trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TNTN phù hợp với thể chế chính trị hiện nay. Do vậy, Tropenbos Việt Nam thực hiện một báo cáo nghiên cứu về: “Thể chế và Luật tục của đồng bào DTTS tại chỗ trong quản lý, sử dụng TNTN ở vùng Tây Nguyên” để làm cơ sở cho các khuyến nghị chính sách về áp dụng các Luật tục này vào trong hệ thống Pháp luật của địa phương cũng như ở cấp quốc gia.

 

Order this publication

*
*
*
*
*
*

Các trường sau đây được điền chưa đúng:

  •