Tropenbos Việt Nam thúc đẩy chính quyền địa phương tìm giải pháp giải quyết vấn đề phục hồi rừng, xâm lấn đất đai tại tỉnh Đắk Lắk

Tropenbos Việt Nam thúc đẩy chính quyền địa phương tìm giải pháp giải quyết vấn đề phục hồi rừng, xâm lấn đất đai tại tỉnh Đắk Lắk

Viet Nam - 21 September, 2023

Ngày 21/9, Tropenbos Việt Nam dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Đắk Lắk, đã tổ chức buổi làm việc với các chính quyền địa phương bao gồm Sở NN&PTNT và sở TN&MT cùng các bên liên quan nhằm trao đổi kết quả nghiên cứu về vấn đề xâm lấn đất đai, các đề xuất, xây dựng lộ trình cho triển khai thực hiện và đề xuất xây dựng các dự án phục hồi rừng gắn và phát triển nông lâm kết hợp gắn với chi trả tín chỉ carbon tích lũy.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã nghe Tropenbos Việt Nam báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và các đề xuất, xây dựng lộ trình cho triển khai thực hiện sắp tới. Theo kết quả nghiên cứu, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp kéo dài từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Tình trạng chồng lấn, tranh chấp trong sử dụng ĐLN xảy trong lầm phần quản lý của tất cả các chủ rừng ở địa phương, giải quyết khó khăn.
Thực tế ở hai huyện Lắk và Krông Bông, các nghiên cứu gần đây cũng đã phát hiện đối với rừng giao cho các nhóm hộ, hiện có xảy ra tình trạng trạng mua bán, sang nhượng ĐLN lấn chiếm qua nhiều người thông qua viết giấy thỏa thuận giữa hai bên. Có một số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất nông nghiệp chồng lên diện tích ĐLN đã giao cho nhóm hộ. Đối với rừng giao cho các nhóm hộ, cùng với những vấn đề bất cập ngay từ khi giao, hưởng lợi từ rừng được giao chưa có, nên thời gian đầu người dân ít quan tâm đến bảo vệ rừng.
Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra giai đoạn 2017 – 2021 so với thời gian trước đó (2008 – 2015), tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở hai huyện có giảm, nhưng vẫn chưa chấm dứt. Những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trước đó người dân vẫn tiếp tục canh tác nông nghiệp, có nơi người dân đã trồng các loài cây dài ngày, qua nhiều năm, càng khó khăn trong giải quyết. Tình trạng này vẫn còn tồn tại trong lâm phần quản lý của tất cả các chủ rừng ở hai huyện.
Hiện nay, Tropenbos Việt Nam đã trao đổi, làm việc với một số đối tác tiềm năng, như ACORN Bank (Hà Lan), tổ chức Onetreeplanted (INGO). Đây là những tổ chức có khả năng hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phục hồi rừng, phát triển nông lâm kết hợp, theo định hướng các hoạt động mà Tropenbos Việt Nam đang theo đuổi.
Việc triển khai thực hiện hoạt động phục hồi rừng, phát triển nông lâm kết hợp đối với các đối tác mới này, ngoài việc hỗ trợ cho phục hồi cảnh quan, bảo vệ tài nguyên rừng và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương và người dân được hưởng lợi từ các mô hình nông lâm kết hợp.
Các đơn vị chủ rừng và hộ gia đình cam kết tham gia triển khai thực hiện mô hình sẽ được hưởng lợi thêm từ nguồn tích lũy carbon từ các cây trồng tăng thêm trên các mô hình phục hồi rừng và nông lâm kết hợp như một loại hàng hóa trên thị trường carbon. Việc triển khai thực hiện mô hình, đo đếm, giám sát sự sinh trưởng và phát triển hàng năm của các diện tích tăng thêm này sẽ được Tropenbos Việt Nam phối hợp với các đơn vị địa phương giám sát và đánh giá định kỳ hàng năm để tính toán lượng carbon tích trữ và cung cấp bằng chứng theo quy định của nhà tài trợ.
Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện xây dựng và đi đến ký kết dự án với các nhà tài trợ này, cũng đòi hỏi có sự thống nhất, hợp tác và đồng ý về chủ trương của chính quyền địa phương cấp tỉnh cho phép xây dựng và triển khai dự án.
Phía Tropenbos Việt Nam mong muốn UBND tỉnh sớm thống nhất về chủ trương xây dựng và phát triển dự án, cũng như đồng ý phê duyệt triển khai thực hiện hoạt động dự án sau này. Xác định được sơ bộ các khu vực tiềm năng có thể triển khai thực hiện dự án (huyện, xã), phù hợp với quy hoạt phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định được các cơ quan chức năng sẽ cùng tham gia, hỗ trợ Tropenbos Việt Nam trong quá trình xây dựng, và triển khai thực hiện dự án cũng như giám sát, đánh giá hàng năm.
Qua thực tiễn và định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất đề xuất của phía Tropenbos Việt Nam, đồng thời thảo luận các giải pháp và định hướng lộ trình thực hiện xây dựng các dự án phục hồi rừng và phát triển nông lâm kết hợp; triển khai xây dựng các dự án phục hồi rừng và phát triển nông lâm kết hợp gắn với chi trả tín chỉ các-bon tích luỹ của các mô hình phục hồi rừng, nông lâm kết hợp tại địa bàn huyện.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên Môi trường làm việc với Tropenbos để thống nhất kế hoạch và phương án thực hiện các hoạt động liên quan. UBND huyện Lắk và Krông Bông kết hợp với trung tâm làm mô hình thí điểm về dự án cacbon; rà soát căn cứ pháp lý phù hợp thực tiễn định hướng phát triển rừng của tỉnh triển khai hiệu quả.
Căn cứ đề xuất của Tropenbos Việt Nam, các Sở và chính quyền cấp huyện tham gia góp ý hoàn thiện các bước thực hiện dự án; lộ trình triển khai, hỗ trợ xác định cụ thể các khu vực có tiềm năng triển khai thực hiện dự án, sự tham gia hỗ trợ, và hợp tác của các bên liên quan (chủ rừng, các công ty, cộng đồng, và người dân địa phương) nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án cũng như tạo sự đồng thuận và thống nhất giữa các bên liên quan; đồng thời chú trọng công tác uyên truyền chủ trương quy định dự án giúp các hộ dân nắm bắt vùng triển khai dự án, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân và các chủ rừng có thêm nguồn kinh phí để bảo vệ, phát triển rừng.