Sinh kế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở vùng lưu vực sông Srepok, tỉnh Đắk Lắk

Sinh kế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở vùng lưu vực sông Srepok, tỉnh Đắk Lắk

Viet Nam - 05 October, 2020

Ngày 1/10/2020, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học tỉnh Đắk Lắk, Trường Đại học Tây Nguyên, tổ chức Hội thảo tham vấn với chủ đề “Sinh kế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở vùng lưu vực sông Srepok, tỉnh Đắk Lắk”.

Đây là một trong những hoạt động của Tropenbos Việt Nam, bao gồm: Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong tiến trình quy hoạch và sử dụng đất; phục hồi rừng; phát triển lâm nghiệp cộng đồng; tăng cường nông lâm kết hợp; hỗ trợ phát triển sinh kế và sản xuất cà phê thông minh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Trường Đại học Tây Nguyên là cơ quan chủ trì thực hiện các hoạt động nghiên cứu này.

Về tham dự hội thảo, có hơn 40 đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk, phòng NN&PTNT, hội phụ nữ, đoàn thanh niên của hai huyện Krông Bông, huyện Lắk và phần lớn là người dân địa phương của các xã Giang Mao, Hòa Lễ, Đắk Phơi, Đắk Nuê (các xã vùng dự án).

Cán bộ và người dân địa phương đã nhiệt tình tham gia thảo luận, đánh giá kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cũng như chia sẻ thêm kiến thức, kinh nghiệm liên quan trong hoạt động phát triển sinh kế. Hội thảo đã thu thập thêm các thông tin liên quan đến hiện trạng phát triển sinh kế của người dân địa phương, các khó khăn, vướng mắc, cản trở hộ gia đình trong việc triển khai thực hiện xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, mong muốn và nguyện vọng của người dân địa phương trong việc phát triển các mô hình sinh kế. Bên cạnh đó, hội thảo cũng dành thời gian thảo luận lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp với quy hoạch của tỉnh và hai huyện, cũng như phù hợp với nhu cầu, năng lực của người dân địa phương.

Trong thời gian tới, Tropenbos Việt Nam sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, trường Đại học Tây Nguyên, và người dân địa phương để phát triển một số mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế của các khu vực này.