Tiếp cận cảnh quan trong quản lý tài nguyên thiên nhiên

Tiếp cận cảnh quan trong quản lý tài nguyên thiên nhiên

Viet Nam - 05 November, 2018

Sáng 23/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Tropenbos tổ chức Hội thảo tiếp cận cảnh quan trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tham dự Hội thảo có hơn 30 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước; các Ban quản lý rừng và Công ty lâm nghiệp; Viện điều tra quy hoạch rừng; một số tổ chức xã hội về môi trường, lâm nghiệp và phát triển cộng đồng các tỉnh Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe giới thiệu và thảo luận các nội dung gồm: Phương pháp tiếp cận cảnh quan và vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Tây Nguyên; Phục hồi cảnh quan rừng bằng nông lâm kết hợp ở Tây Nguyên; Giới thiệu về Phương pháp đánh giá cơ hội phục hồi cảnh quan rừng (ROAM) và việc áp dụng ROAM ở lưu vực sông Sêrêpốk, Đắk Lắk; Giới thiệu về ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) trong phục hồi cảnh quan rừng.
 
Hiện nay, Việt Nam được xem là quốc gia có diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn trong vùng Đông Nam Á, khoảng 14.370 nghìn ha. Thực tế cho thấy, nếu chỉ áp dụng các phương pháp truyền thống hoặc các giải pháp kỹ thuật đơn lẻ dựa vào luật pháp, ký kết các cam kết trong QLBVR, tiếp cận theo ngành, tiếp cận theo chuỗi giá trị mà thiếu đi sự kết nối tham gia của các bên liên quan thì không thể quản lý, bảo vệ và phát triển được diện tích rừng tự nhiên còn lại, cải thiện được sinh kế của người dân sống gần rừng gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do đó, Việt Nam đang từng bước tiếp cận với phương pháp tiếp cận cảnh quan trong việc phục hồi cảnh quan rừng, quản trị cảnh quan rừng, tiếp cận cảnh quan trong giảm nghèo, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan để giải quyết các vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến vùng cảnh quan đó.
 
Hội thảo là dịp để Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới tham vấn địa phương và các bên liên quan về một số kết quả, kinh nghiệm về đánh giá cơ hội phục hồi rừng đang được thực hiện ở Tây Nguyên, qua đó nhằm tìm ra các giải pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa trên tiếp cận cảnh quan phù hợp cho khu vực.