Khuyến nghị hoàn thiện nội dung của nghị định thi hành Luật lâm nghiệp 2017

Khuyến nghị hoàn thiện nội dung của nghị định thi hành Luật lâm nghiệp 2017

Viet Nam - 09 May, 2018

Để luật Lâm nghiệp 2017 sớm đi vào thực hiện, Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều nghị định liên quan để hướng dẫn việc thực thi Luật. Vào ngày 04/5/2018, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã kết hợp với Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo “Phổ biến Luật Lâm nghiệp và Tham vấn Thi hành Luật ở Tây Nguyên”. Mục tiêu của hội thảo là nhằm cập nhật thông tin về Luật lâm nghiệp 2017 và các dự thảo nghị định liên quan, đồng thời đề xuất khuyến nghị để hoàn thiện nội dung của nghị định thi hành Luật.

Luật Lâm nghiệp 2017 được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2017 với mục tiêu tăng cường liên kết chuỗi giá trị, tạo ra các lâm sản có giá trị cao để phục vụ cho nền kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Dự thảo nghị định là cơ sở pháp lý hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017 một cách đúng đắn. Việc phổ biến luật Lâm nghiệp, và tham vấn ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan để đề xuất khuyến nghị cho dự thảo Nghị định thi hành Luật sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, và cá nhân có liên quan, đồng thời giúp các nhà làm luật tiếp thu ý kiến của các bên, nhờ đó sẽ có cái nhìn toàn diện và khách quan trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật.

Hơn 50 đại biểu, là đại diện của Tổng cục Lâm Nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, các đơn vị nghiên cứu và Trường Đại học, tổ chức xã hội, các chủ rừng và cộng đồng bảo vệ rừng tại các tỉnh Tây Nguyên, đã tham dự hội thảo. Trên cơ sở các bài tham luận, đại biểu đã thảo luận và đề nghị rà soát và bổ sung một số nội dung của dự thảo Nghị định, bao gồm:

  1. chi tiết hóa quyền và nghĩa vụ của cộng đồng địa phương đối với rừng và đất rừng được giao;
  2. có quy định riêng đối với vấn đề quản lý và sử dụng rừng/đất rừng của người dân tộc thiểu số trên cở sở cân nhắc đặc điểm/tính chất rừng, và văn hóa cụ thể của từng địa phương;
  3. cụ thể hóa cơ chế hợp tác quản lý giữa người dân địa phương và các Ban quản lý rừng đối với chính sách giao khoán rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; và
  4. cụ thể hóa các quy định liên quan đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng,v.v...

Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe các bài trình bày về: Nội dung cơ bản của Luật lâm nghiệp 2017; Tổng quan về dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lâm nghiệp; Hiện trạng rừng Tây Nguyên; Tình hình tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại Tây Nguyên; và Đóng góp các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình xây dựng luật lâm nghiệp 2017.

IMG_E5971.JPG

Nhiều đại biểu cho rằng cần nhanh chóng chuyển giao 2.1 triệu ha rừng hiện đang do các Uỷ ban Nhân dân (UBND) xã quản lý thiếu hiệu quả, cũng như những diện tích rừng đang được các công ty lâm nghiệp nắm giữ nhưng không thể quản lý và kinh doanh tốt. Thực tế cho thấy trong khi người dân thiếu đất để sản xuất và canh tác, thì việc chiếm giữ đất và sử dụng/quản lý thiếu hiệu quả của UBND xã và các công ty lâm nghiệp đang là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột đất đai và mất an ninh xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên.

Những ý kiến và khuyến nghị của các đại biểu là cơ sở để Ban soạn thảo nghị định của Tổng cục Lâm nghiệp Viêt Nam bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới.