TBI Việt Nam Thúc đẩy Đối thoại Chính sách Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng

TBI Việt Nam Thúc đẩy Đối thoại Chính sách Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng

Viet Nam - 01 November, 2016

Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã trở thành một trong những chính sách nổi bật của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong những năm qua. Mục tiêu của chính sách chi trả DVMTR là nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân, và giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước cho việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng.

Sau hơn 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách chi trả DVMTR vẫn còn một số tồn tại do thiếu bộ chỉ số hỗ trợ công tác giám sát đánh giá, mức chi trả thấp và tính không công bằng giữa các cộng đồng hưởng lợi. Đây là kết luận được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá thực trạng và khuyến nghị cải thiện chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại miền Trung-Tây Nguyên” do TBI Việt Nam phối hợp tổ chức với Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) vào ngày 19 tháng 10 năm 2016 tại TP. Huế.

Tham dự hội thảo có hơn 50 đại biểu, là đại diện đến từ Quỹ BVPTR Việt Nam, Quỹ BVPTR các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, Ủy Ban Nhân dân tỉnh TTH, Sở Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn tỉnh TTH, các Trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp từ trung ương đến địa phương, cùng với các đơn vị chi trả và bên hưởng lợi của chính sách chi trả DVMTR.

IMG_2388_re.jpg

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các bài tham luận về: những bất cập trong thể chế chính sách chi trả DVMTR hiện nay; vấn đề giám sát, đánh giá và thẩm định kết quả bảo vệ rừng; sự kết nối giữa các đơn vị chi trả DVMTR, đơn vị quản lý và bên hưởng lợi; và vấn đề sử dụng kinh phí cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng cũng phát triển sinh kế. Đại diện của dự án nghiên cứu “Tác động của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tầm nhìn tại Việt Nam” thuộc TBI Việt Nam đã có bài trình bày về tác động của chính sách chi trả DVMTR đối với nhận thức và sinh kế của người dân, theo đó đã nhận những được những đóng góp mang tính xây dựng từ các đại biểu tham dự hội thảo.

Kết quả thảo luận cho thấy mặc dù các địa phương đã tiến hành giám sát hoạt động chi trả DVMTR, trên thực tế vẫn thiếu bộ chỉ số giám sát đánh giá, vì vậy đã gây khó khăn trong việc đánh giá trữ lượng và chất lượng rừng trước và sau khi chi trả. Ngoài ra, với mức chi trả thấp như hiện nay, ví dụ: tại thôn Tân Mỹ, huyện Phong Điền, Tỉnh TTH, trung bình mỗi người dân nhận được khoảng 450 nghìn đồng/năm nên đã chưa thực sự khuyến khích và tạo động lực để họ tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đại biểu tham dự còn bày tỏ sự quan ngại về vấn đề bất bình đẳng của quá trình chi trả do sự chênh lệch về mức chi trả xảy ra giữa các địa phương, nơi có các nhà máy thủy điện, và các nhà máy nước (là những đơn vị chi trả DVMTR), với những nơi không có các doanh nghiệp này. Điều này cũng tiềm ẩn sự không hài lòng và xung đột giữa các nhóm hưởng lợi.

Kết quả hội thảo sẽ là nguồn thông tin đầu vào hữu ích giúp các nhà nghiên cứu thuộc TBI Việt Nam điều chỉnh và bổ sung cho những phát hiện nghiên cứu ban đầu. Đồng thời, đây còn là cơ sở giúp TBI Việt Nam và Quỹ BVPTR tỉnh TTH đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách chi trả DVMTR trong thời gian tới.