Phát triển thủy điện ở miền Trung-Tây Nguyên: bài toán của sự đánh đổi

Phát triển thủy điện ở miền Trung-Tây Nguyên: bài toán của sự đánh đổi

Viet Nam - 12 December, 2016

Bên cạnh việc cung cấp nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày và phát triển sản xuất, việc xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội và sinh kế của người dân địa phương. Nguyên nhân chính là do quá trình quy hoạch thiếu phù hợp, thiếu sự giám sát trong quá trình thực thi, và những tồn tại dai dẳng liên quan đến vấn đề đền bù và tái định cư cho người dân chưa được giải quyết triệt để. Đó chính là kết luận được đưa ra tại hội thảo “ Đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung- Tây Nguyên” do Tropenbos Việt Nam phối hợp tổ chức với CSRD, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP. Đà Nẵng, và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) vào ngày 6 tháng 12 năm 2016 tại TP. Đà Nẵng.

Hội thảo là diễn đàn đối thoại đa phương của hơn 80 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các Công ty Thủy điện, tổ chức nghiên cứu, Hội phụ nữ tỉnh, huyện; UBND các huyện, xã và cộng đồng dân cư nơi có các nhà máy thủy điện của 5 tỉnh (Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đak Lak, và Đak Nông), và các cơ quan chức năng có liên quan tại Đà Nẳng.

Tại hội nghị, đại biểu đã có cơ hội lắng nghe các bài trình bày về: Tác động của các dự án thủy điện tới cộng đồng; những vấn đề kinh tế và xã hội hậu tái định cư; phát triển thủy điện và quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn; và vấn đề trồng rừng bồi hoàn trong phát triển thủy điện.

Các đại biểu đã nêu lên hàng loạt những hệ lụy của việc phát triển ồ ạt thủy điện trong những năm qua, bao gồm: ngập lụt, hạn hán, xói lở bờ sông do thay đổi chế độ nước hạ lưu và vận hành xả lũ không đúng quy trình; làm thiếu hụt lượng phù sa bổ sung độ màu cho đất nông nghiệp vùng hạ lưu; gây mất rừng và làm cho tình trạng chặt phá rừng ngày càng gia tăng do người dân không có đất sản xuất; sự bất ổn xã hội do quá trình tái định cư trì trệ, việc chi trả tiền đền bù chậm, mức đền bù thấp, và cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân tại nơi ở mới có chất lượng thấp (bao gồm cả nhà ở, bệnh viện và trường học).

Kết quả thảo luận cho thấy việc quy hoạch thiếu hiệu quả là nguyên nhân chính của phần lớn mọi vấn đề. Theo đó, quy hoạch thiếu sự tham gia của người dân đã làm cho người dân không có đầy đủ thông tin về trách nhiệm, quyền lợi, cũng những những tác động có thể có từ các nhà máy thủy điện đối với đời sống của mình. Chính vì vậy, các hộ dân trở nên bị động trong việc thích ứng với điều kiện sinh hoạt mới, cũng như tìm nguồn sinh kế thay thế, đặc biệt là các hộ có đời sống phụ thuộc vào sông nước do các đập thủy điện không xả nước điều tiết kịp thời dẫn đến tình trạng lòng sông bị thiếu nước và khô cạn vào mùa khô.

Các đại biểu còn chỉ ra rằng rất nhiều công trình thủy điện thiếu các đánh giá tác động kinh tế-xã hội và môi trường tổng hợp. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng bên cạnh các đánh giá tác động môi trường, cần phải có các kế hoạch quản lý môi trường được xây dựng 5 năm một lần để hạn chế tác động tiêu cực của thủy điện.

IMG_3138.JPG

Phát biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội nghị, ô. Trần Hữu Nghị, giám đốc TBI Việt Nam, cho rằng khoảng 386.000 ha đất rừng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng từ năm 2006 đến nay, bao gồm cả phần diện tích được chuyển đổi để xây dựng đập thủy điện. Trong đó, diện tích rừng bồi hoàn mà các dự án thủy điện cần trồng ước tính khoảng 68.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, chỉ chưa đến 44% diện tích nói trên được các đơn vị chức năng trồng trên thực tế (tương đương 29,920 ha). Riêng ở tỉnh Quảng Nam, có đến 1.389ha rừng bị mất do lòng hồ thủy điện chiếm chỗ, 9.293 ha rừng mất để dọn chỗ cho tái định cư và bố trí sản xuất cây lương thực. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2014, tỉnh Quảng Nam mới trồng thay thế 24/700 ha rừng (đạt 3,4% kế hoạch). Việc suy giảm về diện tích rừng tự nhiên cũng đồng nghĩa với việc giảm chức năng lưu giữ nước của rừng. Ông Nghị đồng thời nêu lên sự cần thiết phải giám sát quá trình thực thi trồng rừng bồi hoàn, và tổ chức đánh giá kịp thời về tác động của các công trình thủy điện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Lý giải cho tỷ lệ trồng rừng thấp, ông Nghị cho rằng nguyên nhân là do các chủ đầu tư không bố trí đủ ngân sách cho hoạt động trồng rừng, kết hợp với sự chậm trễ trong việc ra các thông tư/hướng dẫn từ chính quyền cấp quốc gia.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã tạo ra cái nhìn tổng hợp và đa chiều về chi phí-lợi ích của việc phát triển thủy điện tại Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả thảo luận sẽ được Tropenbos Việt Nam làm cơ sở để đưa ra các khuyến nghị chính sách tại hội thảo quốc gia có chủ đề liên quan trong thời gian tới.