Công cụ mới để theo dõi và đánh giá các chỉ tiêu về tính dễ bị tổn thương trong các dự án PES và REDD tại Việt Nam

Công cụ mới để theo dõi và đánh giá các chỉ tiêu về tính dễ bị tổn thương trong các dự án PES và REDD tại Việt Nam

Viet Nam - 07 October, 2015

Thông tin và kiến thức về sinh kế và tính dễ bị tổn thương của người dân địa phương trong các dự án về Chi trả dịch vụ môi trường (PES) và Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng (REDD) tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được chia sẻ tại hội thảo “Theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh kế và tính dễ bị tổn thương trong các dự án PES, REDD”(được tổ chức ngày 11 tháng 9 năm 2015). Ngoài ra, đại biểu tham dự còn được giới thiệu phương pháp xây dựng công cụ theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh kế và tính dễ tổn thương (RLVL) cấp cộng đồng trong các dự án REDD, PES tại Việt Nam và cơ sở dữ liệu liên quan.

Đây là sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Tham gia hội thảo có đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục kiểm lâm, Ban quản lý rừng, và Trung tâm Khuyến Nông Lâm của 6 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre và Bạc Liêu.

Đại biểu đã được nghe các bài trình bày về kết quả đạt được của dự án “Xây dựng quan hệ đổi tác để đẩy mạnh sự tham gia trong nghiên cứu” (Partnerships for Enhanced Engagement in Research (PEER)), thực hiện từ năm 2012 – 2015. Kết quả đạt được của dự án gồm Bộ chỉ số môi trường và xã hội REDD (RESI) dùng cho cấp tỉnh; phương pháp xây dựng công cụ theo dõi đánh giá các chỉ tiêu sinh kế và tính dễ tổn thương (RLVL), cơ sở dữ liệu cho cộng đồng, cũng như nhiều khóa tập huấn cho cán bộ địa phương.

Ô. Trần Hữu Nghị, giám đốc chương trình TBI Việt Nam đã có bài trình bày tại hội thảo, chủ đề “Phương pháp và công cụ theo dõi và đánh giá các chỉ số về tính dễ bị tổn thương ở cấp cộng đồng tại các dự án PES và REDD”. Theo đó, ông Nghị đã mô tả cơ sở cũng như các bước để xây dựng công cụ RLVL.

Trong quá trình thảo luận, Ô. Nghị đã chia sẻ rằng PEER là một dự án nghiên cứu, với nội dung trọng tâm tập trung vào xây dựng phương pháp và công cụ khoa học xã hội, chẳng hạn như công cụ RLVL cho cộng đồng, và RESI cho cấp tỉnh. RESI giúp đánh giá khả năng thành công đối với việc thực thi REDD. Vì vậy, RESI có thể được dùng như là công cụ để đánh giá mức độ thành công trước và sau khi thực hiện REDD ở cấp tỉnh. Đại biểu tham dự hội nghị rất quan tâm đến mục tiêu cũng như cách thức áp dụng RESI và RLVL.

PEER là dự án được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế và Tổ chức Khoa học Quốc gia Hòa Kỳ. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực cho các nhà khoa học môi trường và xã hội cũng như các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam để giúp các tổ chức này hiểu rõ những tác động tiềm tàng của REDD đối với sinh kế của người dân, đồng thời giúp họ sử dụng những thông tin này một cách hiệu quả để giúp các đối tác phát triển của mình hiểu được và đánh giá đúng những thách thức cũng như thành quả của REDD tại các cấp địa phương.