Tình hình thực hiện REDD+ tại Việt Nam

Tình hình thực hiện REDD+ tại Việt Nam

Viet Nam - 05 October, 2015

Mặc dù sáng kiến “Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng” (REDD+) được trông đợi khá nhiều tại Việt Nam, nhưng trên thực tế các hoạt động liên quan đến REDD+ chủ yếu chỉ được thực hiện ở tầm quốc gia. Đây là kết luận được đưa ra tại buổi tọa đàm “Tìm hiểu thêm về Sinh kế, Quản trị rừng, và các hệ thống Sinh thái –xã hội: Tình hình thực hiện REDD+ tại Việt Nam” do TBI Việt Nam tổ chức vào ngày 19 tháng 8 năm 2015 nhằm chia sẻ kết quả đề tài nghiên cứu tiến sỹ của Mucahid Mustafa Bayrak.

Ngoài ra, Mucahid còn chia sẻ rằng các hoạt động REDD+ chủ yếu được thực thi bởi các tổ chức nhà nước ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, vì vậy cộng đồng địa phương chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của REDD+. Trong khi đó, người dân địa phương lại quan tâm đến những khoản tiền được hỗ trợ hoặc các lợi ích mang tính hiện vật khác từ chương trình trồng rừng, quản lý rừng dựa vào cộng đồng (CBFM) và cơ chế chia sẻ lợi ích (BSM).

Một đại diện của Trường Đại học Nông Lâm Huế cho rằng các cơ quan nhà nước Việt Nam hiện có cơ cấu tổ chức khá phức tạp, vì vậy cần hiểu rõ để lồng ghép thành công REDD+ vào Dịch vụ chi trả môi trường (PES), đồng thời đẩy mạnh các chương trình du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Đề tài nghiên cứu tiến sỹ của Mucahid tập trung vào ba vấn đề chính sau đây: 1) Tác động của Cơ chế chia sẻ lợi ích đối với đời sống sinh kế của cộng đồng địa phương là gì ? Bài học kinh nghiệm từ REDD+; 2) REDD+ được thực thi như thế nào ở cấp xã ?; và 3) Vai trò của quản lý rừng dựa vào cộng đồng và bản thân các cộng đồng đối với REDD+, và quản lý rừng dựa vào cộng đồng đã điều chỉnh như thế nào để thích nghi với các chương trình liên quan ?

Mucahid là nghiên cứu sinh tiến sỹ của Khoa Địa lý và Tài Nguyên của Trường Đại học Hồng Kông, Trung Quốc. Nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2011 đến 2015 tại các xã của Việt Nam, bao gồm xã Hướng Hiệp (Quảng Trị), xã Hiếu (Kon Tum), xã Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) và xã Bảo Thuận( Lâm Đồng).