Đối thoại về tương lai cây cao su

Đối thoại về tương lai cây cao su

Viet Nam - 18 November, 2013

Vào ngày 27 tháng 9 năm 2013, TBI Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su: cơ hội và thách thức” tại Hà Nội nhằm thúc đẩy thảo luận liên quan đến việc mở rộng diện tích trồng cao su một cách ồ ạt trong thời gian qua tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), quan chức liên quan của các tỉnh, cán bộ tham gia xây dựng chính sách lâm nghiệp, và đại diện của ngành cao su Việt Nam.

Chiến lược phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2050 chỉ ra rằng diện tích cao su đến năm 2020 ở Việt Nam dự kiến đạt 800.000 ha, với tổng sản lượng mủ là 1.2 triệu tấn (mang lại doanh thu 2 tỷ Đô la Mỹ). Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã dễ dàng bị phá vỡ, với diện tích cao su vào cuối năm 2012 là 915.000 ha.

Thực tế cho thấy rằng cao su mang lại nguồn thu nhập thiết thực cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo ở nông thôn. Hàng năm, mỗi ha cao su mang lại cho người dân vào khoảng 2.860 Đô la Mỹ (trong khi đó thu nhập từ trồng rừng chỉ vào khoảng 357 Đô la Mỹ). Việt Nam đang đánh đổi rừng tự nhiên với việc mở rộng diện tích trồng cao su. Một số công ty đang lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để khai thác gỗ rừng tự nhiên mặc dù không hề có dự định thiết lập rừng trồng cao su sau đó.

Trong bối cảnh đó, TBI Việt Nam với đại diện là ông Trần Hữu Nghị đã đồng chủ trì cuộc thảo luận về ‘mở rộng diện tích cao su nhằm đưa ra những gợi ý liên quan đến FLEGT và REDD+’ cùng với ông Tô Xuân Phúc (tổ chức Forest Trends Viet Nam). Nghiên cứu cho thấy rằng khả năng hấp thụ các-bon tính trên mỗi ha của cây cao su thấp hơn so với rừng tự nhiên do khoảng cách cây cách cây của cao su khá rộng. Vì vậy, rừng trồng cao su không mang lại giá trị và lợi ích về REDD+.

Đại biểu tham dự hội thảo cũng nhất trí rằng Việt Nam cần phải có quy hoạch liên ngành tốt hơn. Ngoài ra, việc chuyển đổi ồ ạt đất rừng tự nhiên sang trồng cao su, cũng như việc lợi dụng chính sách của nhà nước để mở rộng diện tích trồng cao su, thậm chí ở những vùng đất và khí hậu không phù hợp là những điều cần lưu tâm. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng là cây cao su có thể bị chết hoặc cho năng suất thấp. Chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực. Vì vậy, cần phải tăng cường hơn nửa các giải pháp về xã hội và môi trường để đảm bảo rằng cao su có thể mang lại giá trị thiết thực mà không phải đánh đổi những lợi ích về sinh thái và môi trường.