Trong những năm gần đây, đất rừng đã bị chuyển đổi quá mức để xây dựng đập thủy điện tại Việt Nam, thậm chí có nhiều trường hợp không có đánh giá tác động môi trường một cách toàn diện. Từ năm 2006-2013, hơn 19.805 ha đất rừng bị chuyển đổi để xây dựng đập thủy điện tại 27 tỉnh của Việt Nam.
Đất rừng đã và đang bị chuyển đổi sang trồng cao su một cách ồ ạt tại Viêt Nam, thậm chí ở những khu vực mà trước đây chưa từng trồng cao su. Tính đến năm 2012, tổng diện tích cao su là 910.500 ha. Điều này có nghĩa rằng diện tích cao su đã vượt 200,000 ha so với mức mà chiến lược phát triển cao su do Chính phủ Việt Nam đề ra đến năm 2015.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai phân cấp quản trị rừng thông qua chương trình giao đất giao rừng từ thập niên 90 nhằm mang lại sự công bằng trong hoạt động tạo sinh kế ở vùng nông thôn và quản lý rừng bền vững. Đất rừng được giao cho các tổ chức nhà nước, tư nhân, và kinh tế-xã hội, trong đó chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng địa phương. Phân tích quá trình xây dựng và thực thi chính sách giao đất giao rừng sẽ tạo cơ sở vững chắc hỗ trợ cho quá trình phân cấp quản lý rừng hiệu quả.